Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung là một chủ điểm ngữ pháp quan trọng mà mà bất cứ ai theo học ngôn ngữ Hán cũng phải biết. Việc hiểu rõ ngữ pháp giúp người học giao tiếp tốt, mạch lạc và trôi chảy hơn. Vậy câu kiêm ngữ là gì? Chúng được sử dụng như thế nào? Hãy cùng Tiếng Trung Hanzi tìm hiểu ngay dưới bài viết sau đây nhé!
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung là gì?

Câu kiêm ngữ 兼语句 / Jiān yǔjù / là câu bao gồm một hoặc nhiều cụm từ liên kết đóng vai trò là vị ngữ hoặc các câu độc lập. Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung gồm có những đặc điểm sau:
- Vị ngữ của câu liên kết được tạo bởi cụm động từ – tân ngữ và cụm vị ngữ.
- Tân ngữ (hay còn gọi kiêm ngữ) của [Động từ 1] chính là chủ ngữ của [Động từ 2].
- [Động từ 1] để biểu thị yêu cầu hay sai khiến, thường là: 请 (mời), 选 (chọn), 派 (phái), 使 (khiến), 劝 (khuyên), 求(thỉnh cầu, đòi hỏi), 让 (để, khiến, nhờ), 叫 (kêu, gọi), 要求 (yêu cầu), 请求 (thỉnh cầu),…
- Có thể đặt 不 hay 没 trước [Động từ 1] để phủ định cho cả câu.
- Đằng trước [Động từ 2] có thể thêm 别 hay 不要 để nhấn mạnh nội dung muốn biểu đạt.
Ví dụ:
(1) 他请我参加他的生日晚会。
/ Tā qǐng wǒ cānjiā tā de shēngrì wǎnhuì. /
Anh ấy mời tôi tham dự bữa tiệc sinh nhật của anh ấy.
(2) 你应该劝他去中国留学。
/ Nǐ yīnggāi quàn tā qù zhōngguó liúxué. /
Bạn nên khuyên anh ta đi Trung Quốc du học.
(3) 我们没请他来, 是他自己来的。
/ Wǒmen méi qǐng tā lái, shì tā zìjǐ lái de. /
Chúng tôi không mời anh ta, anh ta tự mình đến.
(4) 他不让我在这儿等他。
/ Tā bù ràng wǒ zài zhè’er děng tā. /
Anh ấy sẽ không để tôi đợi anh ấy ở đây.
(5) 请你们不要再吵架了。
/ Qǐng nǐmen búyào zài chǎojià le. /
Xin mọi người đừng lại cãi nhau nữa.
Cấu trúc câu kiêm ngữ trong tiếng Trung
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung có cấu trúc như sau:
Chủ ngữ + Động từ 1 + Tân ngữ 1 + Động từ 2 + Tân ngữ 2 (thành phần khác)
Trong đó, tân ngữ 1 là tân ngữ của động từ 1, đồng thời là chủ ngữ của động từ 2.
Ví dụ:
我叫妹妹吃午饭。
/ Wǒ jiào mèimei chī wǔfàn. /
Tôi gọi em gái đi ăn trưa.

Theo ví dụ trên, ta có thể suy ra cấu trúc như sau:
Tôi | gọi | em gái | ăn | bữa trưa. |
Chủ ngữ | Động từ 1 | Tân ngữ 1 | Động từ 2 | Các thành phần khác Tân ngữ 2 |
Các loại câu kiêm ngữ trong tiếng Trung
Dưới đây là 6 loại câu kiêm ngữ trong tiếng Trung hay gặp nhất, cùng phân biệt ngay thôi!
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung chỉ nhận định (表称谓或认定意义的兼语句)
Trong câu kiêm ngữ nhận định, động từ 1 thường biểu thị cho sự trở thành (成为) hoặc coi là, cho là (认定) như: 叫 (khiến), 骂 (mắng), 选 (chọn), 选择 (lựa chọn), 认 (nhận định),… Động từ 2 thường là: 为 (là), 做 (làm), 当 (làm), 是 (là),…
Ví dụ:
(1) 人们骂他是个傻瓜。
/ Rénmen mà tā shìgè shǎguā. /
Mọi người gọi anh ta là đồ ngốc.
(2) 同学们选小明当班长。
/ Tóngxuémen xuǎn xiǎomíng dāng bānzhǎng. /
Các bạn học chọn Tiểu Minh làm lớp trưởng.
Lưu ý: Khi phủ định thì thêm phó từ 不, 没有 vào trước động từ 1.
Ví dụ:
我没选他作代表。
/ Wǒ méi xuǎn tā zuò dàibiǎo. /
Tôi đã không chọn anh ta làm người đại diện.
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung chỉ sự cầu khiến (表使令意义的兼语句)
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung chỉ sự cầu khiến thường có động từ 1 biểu thị ý nghĩa yêu cầu, sai khiến như: 请 (mời), 让 (để, khiến, nhờ), 叫 (kêu, gọi), 使 (khiến), 派 (phái), 逼 (ép), 催 (thúc giục), 托 (đùn đẩy), 求 (thỉnh cầu, đòi hỏi), 命令 (mệnh lệnh), 禁止 (cấm đoán), 吩咐 (dặn dò), 动员 (động viên, huy động), 鼓励 (khuyến khích, khích lệ), 促使 (thúc đẩy, giục giã), 发动 (phát động), 组织 (tổ chức), 号召 (hiệu triệu),…
Ví dụ:
(1) 学校号召毕业生去支教。
/ Xuéxiào hàozhào bìyè shēng qù zhījiào. /
Nhà trường kêu gọi sinh viên tốt nghiệp hỗ trợ giảng dạy.
(2) 老师叫我念课文。
/Lǎoshī jiào wǒ niàn kèwén./
Giáo viên gọi tôi đọc văn bản.
(3) 他的话使我很感动。
/ Tā dehuà shǐ wǒ hěn gǎndòng. /
Lời nói của anh ấy làm tôi rất cảm động.
(4) 我们请老师唱一首歌。
/Wǒmen qǐng lǎoshī chàng yī shǒu gē./
Chúng tôi đề nghị giáo viên hát một bài hát.
(5) 老师叫我告诉你这件事。
/ Lǎoshī jiào wǒ gàosù nǐ zhè jiàn shì. /
Thầy giáo bảo tôi nói với bạn chuyện này.
Lưu ý: Khi phủ định thì thêm phó từ 不, 没有 vào trước động từ 1.
Ví dụ:
我爸爸不允许我去学弹琴。
/ Wǒ bàba bù yǔnxǔ wǒ qù xué tánqín. /
Bố tôi không cho phép tôi học chơi piano.
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung chỉ cảm xúc (表爱憎意义的兼语句)

Tương tự, câu kiêm ngữ trong tiếng Trung chỉ cảm xúc có các động từ 1 chỉ hoạt động tâm lý như: 喜欢 (thích), 爱 (yêu), 表扬 (biểu dương), 讨厌 (ghét), 批评 (phê bình), 感谢 (cảm ơn), 嫌 (hiềm khích, ghét bỏ), 埋怨 (trách móc), 称赞 (tán thưởng), 担心 (lo lắng),…
Ví dụ:
(1) 大家嫌他说的太多了。
/ Dàjiā xián tā shuō de tài duōle. /
Ai cũng đều cho rằng anh đã nói quá nhiều.
(2) 我埋怨他骗过我。
/ Wǒ mányuàn tā piànguò wǒ. /
Tôi trách móc anh ta đã lừa dối tôi.
(3) 我喜欢他唱歌。
/Wǒ xǐhuān tā chànggē./
Tôi thích anh ấy hát.
(4) 老师常常表扬他努力学习。
/Lǎoshī chángcháng biǎoyáng tā nǔlì xuéxí./
Giáo viên thường khen ngợi anh ấy vì sự chăm chỉ.
(5) 老师批评他粗心.
/ Lǎoshī pīpíng tā cūxīn. /
Cô giáo đã khiển trách anh ta vì đã bất cẩn.
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung với chữ “是”
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung có chữ “是” là câu kiêm ngữ vô chủ. Trong đó, “是” dùng để nhấn mạnh từ kiêm ngữ (đối tượng), động từ vị ngữ của từ kiêm ngữ nhằm giải thích, nói rõ hơn vấn đề được nhắc đến
Ví dụ:
(1) 是我告诉他,不是别人的。
/ Shì wǒ gàosù tā, búshì biérén de. /
Là tôi nói với anh ta, không phải người khác.
(2) 是你妈妈叫我来一起吃饭。
/ Shì nǐ māmā jiào wǒ lái yīqǐ chīfàn. /
Chính mẹ của bạn đã nói với tôi rằng hãy đến ăn cùng nhau.
(3) 昨天不是我拿了你的书。
/ Zuótiān bùshì wǒ nále nǐ de shū. /
Không phải tôi là người đã lấy cuốn sách của bạn ngày hôm qua.
Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung với chữ “有
Tân ngữ của “有” (từ kiêm ngữ thường không xác định rõ ) dùng để biểu thị người hoặc sự vật đang tồn tại, thường có thêm số lượng từ làm định ngữ ở phía trước.
Ở trường hợp này, vị ngữ của câu kiêm ngữ trong tiếng Trung thường nói rõ từ kiêm ngữ “做什么” hoặc “怎么样”.
Ví dụ:
(1) 我有一个妹妹漂亮得很。
/ Wǒ yǒu yīgè mèimei piàoliang dé hěn. /
Tớ có một người chị rất xinh đẹp.
(2) 我班有一个学生来自美国。
/ Wǒ bān yǒu yígè xuéshēng láizì měiguó. /
Có một sinh viên trong lớp tôi đến từ Mỹ.
Lưu ý: Khi phủ định thì thêm phó từ 没 vào trước động từ 有.
Ví dụ:
没有人给你打电话。
/ Méiyǒu rén gěi nǐ dǎ diànhuà. /
Không có ai gọi điện thoại cho bạn.
Câu kiêm ngữ liên động trong tiếng Trung

Câu kiêm ngữ trong tiếng Trung khi có hai động từ hoặc hai đoản ngữ trở lên thường được gọi là câu kiêm ngữ liên động. Vai trò của câu là để biểu thị mục đích hoặc phương thức của hành động.
Ví dụ:
(1) 我请艺术团来学校表演节目。
/ Wǒ qǐng yìshù tuán lái xuéxiào biǎoyǎn jiémù. /
Tôi đã mời đoàn nghệ thuật đến biểu diễn ở trường.
(2) 他去图书馆借书。
/ Tā qù túshū guǎn jiè shū /
Anh ấy đến thư viện mượn sách.
Lưu ý khi sử dụng câu kiêm ngữ trong tiếng Trung
Khi sử dụng câu kiêm ngữ trong tiếng Trung, các bạn cần phải lưu ý những điều sau:
- Trước động từ 1 và động từ 2 đều có thể kết hợp thêm trạng ngữ. Nếu là trạng ngữ chỉ thời gian thì thường nằm ở đầu câu hoặc trước động từ 1.
- Trong câu, vị trí của từ kiêm ngữ cũng có thể là hình dung từ và vị ngữ của từ kiêm ngữ nhiều lúc cũng có thể mang bổ ngữ.
- Động từ 1 và từ kiêm ngữ phải luôn đi liền với nhau, không được thêm bất cứ thành phần nào ở giữa.
- Trong câu nếu có động từ năng nguyện thì thường sẽ đặt trước động từ 1.
- “了” phải đặt sau động từ 2 hoặc đặt ở cuối câu.
Trên đây là tất cả những kiến thức về câu kiêm ngữ trong tiếng Trung mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình học tiếng Trung cũng như chinh phục ngôn ngữ đặc biệt này!
Với bất cứ thắc mắc nào khác hoặc muốn tham gia khóa học tiếng Trung TPHCM đầy bổ ích, hiệu quả, đừng ngại ngần liên hệ ngay với Tiếng Trung Hanzi để được giải đáp và hỗ trợ sớm nhất bạn nhé!